Hướng dẫn chăm sóc cây lúa giai đoạn làm đòng

1. Bón phân cho cây lúa giai đoạn đón đòng

– Khi cây lúa đã có đòng lộ ra khỏi trồi chính, trên đồng ruộng đã lên đòng 90% bà con mới bón phân cho cây thì đòng không kịp hấp thụ dinh dưỡng dẫn tới bông nhỏ, ngắn, tỷ lệ hạt lép cao. Trường hợp bón phân quá sớm cho cây lúa sẽ làm cây không hấp thụ được các chất dinh dưỡng, vừa gây lãng phí, vừa kéo dài thời gian sinh trửơng của cây, làm cho cây lúa dễ bị sâu bệnh gây hại.

– Để việc bón phân đón đòng mang lại hiệu quả cao nhất khi phát hiện 50% diện tích lúa có đòng dài từ 1-20mm, bà con cần bón bổ sung những loại phân bón NPK có hàm lượng Kali (K2O) cao cho lúa. Trong giai đoạn này, lượng Kali nên bón cho cây lúa chiếm 70% còn lượng đạm chỉ bón 30% theo quy trình chăm sóc cây lúa. Một số công thức NPK An Hưng như NPK 15-6-17+2S+TE, NK 12-16+TE….

– Kali trong giai đoạn thúc đòng cần lượng bón cao, vì kali giúp cây lúa tăng cường quá trình quang hợp, tổng hợp các chất từ thân về nuôi đòng. Còn đạm giúp tăng lượng hoa và nhiều bông. Không nên bón nhiều đạm sẽ làm cho bộ lá phát triển mạnh làm tăng nguy cơ bị sâu bệnh gây hại.

– Sau khi bón thúc đòng xong bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nếu cây lúa vẫn thấy thiếu dinh dưỡng nên bón bổ sung thêm cho cây.

Chú ý:

– Chỉ nên bón phân cho cây lúa ở khu vực nào phát triển chậm, không nên bón đồng loạt cho cây sẽ gây lãng phí.

– Nên bón theo nguyên tắc chung nếu ruộng xanh thì giảm đạm tăng kali, nếu ruộng vàng thì cần cung cấp thêm đạm.

2. Cung cấp nước cho cây lúa

– Ngoài cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa thì giai đoạn làm đòng cần cung cấp nước cho cây là điều rất cần thiết.

– Ở giai đoạn cây trổ đòng trên ruộng lúa phải đảm bảo đủ lượng nước cung cấp cho cây lúa, mực nước trong ruộng phải đạt từ 5-7cm.

– Nước là thành phần cấu tạo nên chất nguyên sinh, các quá trình trao đổi chất đều cần nước tham ra. Vì vậy, nươc nhiều hay ít sẽ ảnh hưởng đến chiều hướng và cường độ trao đổi chất. Giai đoạn làm đòng hoạt động trao đổi tổng hợp trong cây lúa diễn ra rất mạnh mẻ, vì vậy nếu không đủ nước trong giai đoạn này nguy cơ mất mùa sẽ rất cao.

– Tuy nhiên, mực nước trong ruộng không được cao quá 7cm sẽ có nguy cơ sâu bệnh hại tấn công cây lúa.

3. Phòng trừ sâu bệnh hại trong giai đoạn làm đòng

– Ở giai đoạn làm đòng thì cây lúa thường gặp một số sâu bệnh hại như: sâu đục thân, bọ rầy, bệnh đạo ôn, khô vằn và đặc biệt trong điều kiện thời tiết độ ẩm cao, sương mù nhiều, cường độ ánh sáng ít thì bệnh đạo ôn phát triển mạnh. Vì vậy bà con cần chú ý đặc biệt đến các loại sâu bệnh này.

– Bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm sâu bệnh hại tấn công cây lúa, sau đó liên hệ với cán bộ bảo vệ thực vật hoặc cán bộ khuyến nông ở địa phương để có biện pháp phun trừ hiệu quả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *